Tổng kết Đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014-2020
Thực hiện Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện “Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 19/KH-SGDĐT ngày 25/3/2014 về việc thực hiện Quyết định 134/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay. Qua 6 năm thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tích cực nhằm giúp cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh có thêm những kiến thức pháp luật về gia đình, về phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Theo lộ trình kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan cùng Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; sử dụng đúng mục đích ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án tại địa phương và đơn vị; xây dựng số điện thoại đường dây nóng; chủ động tổ chức tập huấn, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giúp nhân dân nắm bắt thông tin, kịp thời tố giác các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em; Lồng ghép nhiệm vụ, nội dung của Đề án, công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
.jpg)
Xác định giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ quan trọng nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, sức khỏe, nghề nghiệp và nhân cách, đáp ứng yêu cầu của việc phát triển gia đình Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng mô hình sinh hoạt ngoại khóa Ngày hội Gia đình yêu thương cho các cấp học (từ Tiểu học đến THPT), chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh vận dụng và nhân rộng mô hình hoạt động này, hướng đến đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của việc giáo dục chuyển đổi hành vi trong xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục cho học sinh chuyển đổi hành vi tích cực, sống có ích, biết thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình học sinh, giúp phụ huynh học sinh nhận thức đúng đắn về việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh chăm ngoan, học tốt, đồng thời tăng thêm mối quan hệ thân thiết giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục lồng ghép thực hiện các Kế hoạch, Đề án, Chương trình có liên quan đến công tác Gia đình và Trẻ em vào kế hoạch hoạt động tại đơn vị; Tập trung cao điểm trong hè, tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động các nguồn lực xã hội nhằm tổ chức tốt các sự kiện, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn, các diễn đàn về phòng chống bạo lực gia đình; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đối với gia đình; Chủ động trong công tác phối hợp liên ngành nhằm kịp thời cập nhật, triển khai các văn bản, chế độ, chính sách liên quan đến công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng trong trường học và địa bàn dân cư.

Trong nhiều năm qua, các đơn vị trường học đã tổ chức tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, phát thanh học đường, dạy lồng ghép vào các môn Giáo dục công dân, Ngữ Văn những nội dung giáo dục về tình cảm gia đình, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giới thiệu những tấm gương người tốt – việc tốt, hiếu thảo với ông ba, cha mẹ, phù hợp với từng cấp học, bậc học; thực hiện chuyên san về Dân số – Kế hoạch háo gia đình, lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình vào các hoạt động ngoại khóa (biểu diễn văn nghệ, thi diễn tiểu phẩm, thi rung chuông vàng, thi tìm hiểu, đố vui trong tháng hoạt động bộ môn, …), thành lập và củng cố hoạt động của Tổ Tư vấn học đường, Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, Câu lạc bộ Tuổi chúng mình,…
Nhiều đơn vị trường học treo băng - rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức diễn đàn, tọa đàm về chủ đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giáo dục kỹ năng sống, ứng xử văn hóa học đường, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tệ nạn xã hội, giáo dục kỹ năng an toàn, sơ cứu người bị tai nạn, thương tích cho học sinh; tuyên truyền, giới thiệu cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về số điện thoại đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người; phát động thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức (cam kết gia đình không có bạo lực, xây đựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, không sinh con thứ ba,...); tổ chức tuyên dương gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, thi nấu ăn, khéo tay, văn nghệ, họp mặt nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ra quân phát động “Tháng hành động Vì trẻ em” (01/6) trên toàn tỉnh.

Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tổ chức các hoạt động tổng kết Đề án trong ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục An Giang tổ chức hoạt động ngoại khóa “Nhà giáo với công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình” nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tầm quan trọng của việc giáo dục chuyển đổi hành vi trong xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ và phòng, chống bạo lực gia đình; tạo sức lan tỏa đến cộng đồng và toàn xã hội về ý nghĩa, mục đích của công tác giáo dục kế thừa, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 24/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025; đồng thời lồng ghép thực hiện Quyết định số 2906/QĐ-UBND ngày 19/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.

Mặc dù Đề án đã đến giai đoạn tổng kết nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ giáo dục nhằm duy trì hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục kế thừa, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống, giúp học sinh biết chọn lọc những giá trị tiên tiến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như:
Tiếp tục lựa chọn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật (Luật Hôn nhân gia đình, Luật Trẻ em,…), bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế của từng đơn vị, phù hợp tâm lý lứa tuổi của học sinh, thu hút sự tham gia của học sinh và phụ huynh vào các hoạt động của nhà trường nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi tích cực trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Tiếp tục tổ chức giảng dạy tích hợp các nội dung có liên quan vào một số môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa; phối hợp tốt với các ban, ngành của địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp tục thi đua mạnh mẽ “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong toàn đơn vị; thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; tuyên dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học; phát huy hiệu quả của mô hình Ngày hội Gia đình yêu thương.
Tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tư vấn học đường, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kế thừa, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp học sinh biết chọn lọc những giá trị tiên tiến phù hợp xu thế hội nhập quốc tế thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi./.